Thủ tục giấy tờ cần thiết để nhập khẩu phụ gia thực phẩm

Tiêu đề:Thủ tục giấy tờ cần thiết để nhập khẩu phụ gia thực phẩm
Hỏi:Chào anh chị! Em xin được hỏi một số vấn đề ạ! Công ty em là công ty thương mại muốn nhập khẩu từ Đài Loan những hàng hóa sau đây: 2936.2700 Ascorbic acid、Ascorbate sodium (vitamin C và các dẫn xuất của nó dùng trong thực phẩm và giải khát) 2309.9090 L-ascorbate-2-monophosphate (chế phẩm dùng trong chăn nuôi động vật-loại khác) Để nhập khẩu hai mặt hàng trên bên công ty em cần chuẩn bị những thủ tục ,giấy tờ gì ạ? Rất mong nhận được sự giải đáp của anh chị! Em cảm ơn anh rất nhiều ạ!
Trả lời:Ngày 13/11/2017, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhận được câu hỏi của Doanh nghiệp thông qua hệ thống hỏi đáp trực tuyến hỏi về việc nhập khẩu chất dẫn xuất dùng trong thực phẩm, giải khát và chế phẩm dùng trong chăn nuôi. Liên quan đến vấn đề này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trao đổi như sau:
1/ Việc nhập khẩu hóa chất thực hiện theo quy định tại Nghị định 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 và Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, theo đó: Đối tượng áp dụng là đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 19/10/2017 của Chính phủ có hiệu lực thực hiện từ ngày 25/11/2017 thay thế Nghị định 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 và Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011.
Vì vậy, đề nghị Doanh nghiệp đối chiếu thực tế hóa chất cần nhập khẩu với các phụ lục kèm theo Nghị định 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 và Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011, Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 19/10/2017 của Chính phủ để thực hiện.
Đối với chất dẫn xuất dùng trong thực phẩm, giải khát; theo quy định tại Khoản 1, Điều 14, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì: “Tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các Bộ quản lý ngành chỉ định…”. Như vậy, đối với mặt hàng nhập khẩu của Doanh nghiệp, khi nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
2/ Việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi được quy định cụ thể tại Nghị định 39/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ, Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 và Thông tư 26/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/6/2012 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Thông tư 42/2015/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.
Theo đó:
– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản phải có hoặc thuê kho bảo quản thức ăn chăn nuôi, thủy sản đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo quản đảm bảo chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường và theo khuyến cáo của nhà sản xuất quy định tại Điều 9 Nghị định 39/2017/NĐ-CP
– Đối với thức ăn chăn nuôi (TACN) đã có trong Danh mục thức TACN được phép lưu hành tại Việt Nam, khi nhập khẩu, tổ chức, cá nhân làm thủ tục tại cơ quan hải quan và thực hiện kiểm tra chất lượng theo quy định.
  – Đối với TACN chưa có trong Danh mục TACN được phép lưu hành tại Việt Nam khi nhập khẩu phải có quyết định công nhận TACN, thức ăn gia súc được phép lưu hành tại Việt Nam của Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi và thực hiện kiểm tra chất lượng theo Nghị định 39/2017/NĐ-CP.
Thủ tục hải quan thực hiện theo Điều 16, 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ tài chính.
Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trả lời để Doanh nghiệp biết và thực hiện./.
Loại hình:Giám sát quản lý

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *