PHÂN TÍCH PHÂN LOẠI HÀNG HÓA

Tiêu đề:HỎI VỀ PHÂN TÍCH PHÂN LOẠI HÀNG HÓA
Hỏi:Doanh nghiệp chúng tôi dự kiến nhập khẩu mặt hàng: Polymer acrylic WR-991 (200kg/thùng), nhưng doanh nghiệp không tìm được HS Code phù bợp cho mặt hàng này. Doanh nghiệp chúng tôi muốn tìm HS Code phù hợp thông qua kết quả phân tích phân loại thì có được không?. Và để được nhận phân tích phân loại hàng hóa thì doanh nghiệp cần chuẩn bị những chứng từ và mẫu hàng như thế nào ( nếu Hải quan chi cục không yêu cần phân tích phân loại, nhưng doanh nghiệp vẫn muốn tìm HS Code phù hợp cho hàng hóa để thực hiện đầu đủ những yêu cầu của nhà nước về nhập khẩu). Nhờ Qúy cục tư vấn giúp doanh nghiệp, chân thành cám ơn và kính chào!
Trả lời:Nội dung trả lời:
1. Hướng dẫn phân loại hàng hóa:
Điều 26 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 quy định: “Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.”
Do doanh nghiệp cung cấp không đủ thông tin nên cơ quan hải quan chưa có đủ cơ sở để hướng dẫn phân loại, áp mã số hàng hóa chính xác cho mặt hàng     “Polymer acrylic WR-991”.
Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn doanh nghiệp nghiên cứu các văn bản sau để phân loại, áp mã số cho mặt hàng nêu trên:
Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo;
Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan;
Chú giải chi tiết HS 2012.
Căn cứ nội dung Chương 39 “plastic và các sản phẩm bằng plastic ”.
Căn cứ nội dung chú giải 3 của chương:
“Các nhóm 39.01 đến 39.11 chỉ áp dụng đối với các mặt hàng được sản xuất bằng phương pháp tổng hợp hoá học, thuộc các loại sau:
(a) Các loại polyolefin tổng hợp dạng lỏng có hàm lượng dưới 60% tính theo thể tích cất thu được bằng phương pháp chưng cất giảm áp ở nhiệt độ 300°c, áp suất 1.013 milibar (các nhóm 39.01 và 39.02)”;
Căn cứ nội dung chú giải 6 của chương:
“Trong các nhóm từ 39.01 đên 39.14, thuật ngữ “dạng nguyên sinh” chỉ áp dụng với những dạng sau:
a) Dạng lỏng và dạng nhão, kể cả dạng phân tán (dạng nhũ tương và huyền phù) và dạng hoà tan;
b) Các khối với hình dạng không đều, cục, bột (kể cả bột đúc khuôn), hạt, mảnh và các dạng khối tương tự”.
Căn cứ nội dung nhóm 39.06: “Polyme acrylic dạng nguyên sinh”
3906.10        – Poly (metyl metacrylat):
3906.10.10   – – Dạng phân tán
3906.10.90   – – Loại khác
3906.90        – Loại khác
3906.90.20     – – Dạng phân tán
               – – Loại khác:
3906.90.92     – – – Natri polyacrylat
3906.90.99     – – – Loại khác
Đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu các nội dung quy định nêu trên, căn cứ thực tế hàng hóa nhập khẩu để phân loại hàng hóa. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn cụ thể.
2. Hướng dẫn thực hiện phân tích phân loại hàng hóa:
Căn cứ Điều 3 Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
“1. Trường hợp cơ quan hải quan không đủ cơ sở để xác định tính chính xác việc phân loại hàng hóa của người khai hải quan thì thực hiện phân tích để phân loại hàng hóa.
2. Trường hợp cơ quan hải quan không đủ điều kiện thực hiện phân tích hàng hóa thì sử dụng dịch vụ giám định của các tổ chức giam định theo quy định của pháp luật về dịch vị giám định thương mại để làm cơ sở thực hiện.
3. Để phân loại hàng hóa, người khai hải quan có thể sử dụng các dịch vụ giám định hàng hóa của các tổ chức giám định theo quy định của pháp luật hoặc cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam để xác định các thông tin về thành phần, tính chất lý hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.
Điều 24 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu quy định:
“Trường hợp không thể xác định được chính xác tên hàng, mã số hàng hóa theo các tiêu chí trong danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu , công chức hải quan cùng người khai hải quan lấy mẫu để thực hiện phân tích, giám định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.
Việc lấy mẫu và lập hồ sơ chuyển phân tích phân loại được thực hiện theo các quy định tại Điều 9 và Điều 10 Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Hướng dẫn xác định trước mã số:
Để thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan, làm cơ sở để khai báo chính xác mã số hàng hóa, doanh nghiệp có thể thực hiện xác định trước mã số hàng hóa theo các văn bản hướng dẫn sau:
-Thủ tục và điều kiện xác định trước mã số quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính Phủ.
-Hồ sơ xác định trước mã số theo quy định tại Điều 7 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài Chính.
Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh trả lời để doanh nghiệp rõ.
Loại hình:Thuế xuất nhập khẩu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *