Máy kéo nhập khẩu từ Ấn độ và Thái Lan

Tiêu đề:Máy kéo nhập khẩu từ Ấn độ và Thái Lan
Hỏi:Kính gửi Cục Hải quan, Xin cho biết thuế nhập khẩu của mặt hàng là máy kéo 55 mã lực từ Ấn độ và Thái lan phải chịu những loại thuế liên quan nào khi nhập khẩu vào Việt Nam. Trân trọng cảm ơn.
Trả lời:Nội dung trả lời:
1. Hướng dẫn phân loại hàng hóa:
Điều 26 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 quy định: “Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.”
Do doanh nghiệp cung cấp không đủ thông tin nên cơ quan hải quan chưa có đủ cơ sở để hướng dẫn phân loại, áp mã số hàng hóa chính xác cho mặt hàng     “mặt hàng máy kéo 55 mã lực”.
Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn doanh nghiệp nghiên cứu các văn bản sau để phân loại, áp mã số cho mặt hàng nêu trên:
Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo;
Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính Phủ về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan;
Chú giải chi tiết HS 2012.
Căn cứ nội dung Chương 87 “Xe trừ phương tiện chạy trên đường xe lửa hoặc xe điện, và các bộ phận và phụ kiện của chúng”.
Căn cứ nội dung chú giải 2 của chương 87: “ Theo mục đích của Chương này, “máy kéo” có nghĩa là phương tiện được thiết kế chủ yếu để kéo hoặc đẩy một phương tiện, một thiết bị hoặc một vật nặng khác, chúng có hoặc không bao gồm bộ phận phụ trợ, được gắn vào để chuyên chở công cụ, các loại hạt (giống), phân bón hoặc hàng hoá khác.
Máy móc và công cụ làm việc được thiết kế đề gắn vào máy kéo của nhóm 87.01 mà các trang thiết bị làm việc này có thể thay đồi (tháo lắp) thì vẫn được phân loại vào các nhóm tương ứng của chúng ngay cả khi chúng đi kèm với máy kéo, và có hoặc không được gắn vào nó.”
Căn cứ nội dung nhóm 87.01 “máy kéo (trừ máy kéo thuộc nhóm 87.09”
Tham khảo chú giải chi tiết HS 2012 nhóm 87.01:
“Loại trừ các máy kéo sử dụng ở nhà ga xe lửa thuộc nhóm 8709, nhóm này bao gồm máy kéo các loại (máy kéo nông nghiệp, máy kéo lâm nghiệp, máy kéo đường bộ, máy kéo hạng nặng dùng trong xây dựng, tời kéo, v.v…) sử dụng bất kỳ phương thức đẩy nào (động cơ đốt trong, động cơ điện, v.v…). Nhóm này cũng bao gồm các máy kéo có thể sử dụng cả trên đường ray và trên bộ, nhưng không bao gồm những máy kéo được thiết kế riêng để sử dụng trên đường ray.
Các máy kéo trong nhóm này có thể có thùng xe hoặc chúng có thể có các chỗ ngồi cho tổ lái hoặc một buồng lái. Chúng có thể được trang bị một hòm dụng cụ, thiết bị để nâng hạ dụng cụ nông nghiệp, một thiết bị móc nối để kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc (ví dụ trên cơ cấu truyền sức kéo và các bộ phận truyền lực kéo tương tự) hoặc một bộ phận truyền động lực cho đầu máy như máy đập lúa, máy cưa đĩa.
Khung gầm của máy kéo có thể được lắp trên bánh hơi, bánh xích sắt, hoặc cả bánh hơi và bánh sắt. Trong trường hợp có cả bánh hơi và bánh sắt, chi có trục lái phía trước được lắp với bánh hơi.
Nhóm này cũng bao gồm các máy kéo cầm tay. Đây là các máy kéo nhỏ dùng trong nông nghiệp, có một trục điều khiển đơn lắp trên một hoặc hai bánh xe; như các máy kéo thông thường, chúng được thiết kế để sử dụng vào việc thực hiện các công việc khác nhau và đóng vai trò là bộ phận truyền lực. Chúng thường không có ghế và được điều khiển bằng hai tay cầm (handles). Tuy nhiên, một số loại có một hoặc hai bánh có thủng phía sau lắp ghế cho người lái.
Nhóm này cũng bao gồm cả các máy kéo có khung gầm nâng cao (stilt tractors) dùng trong ruộng nho và trồng rừng.
Cần chú ý là các máy nông nghiệp được thiết kế để lắp với máy kéo như là thiết bị thay thế (cày, bừa, cuốc …), vẫn xếp vào các nhóm tương đương ngay khi đã được lắp ráp trên máy kéo. Trong các trường hợp đó phần kéo được xếp riêng vào nhóm này.
Các máy kéo và các công cụ lao động dùng trong công nghiệp cũng được phân loại riêng khi máy kéo được thiết kế chủ yếu để kéo hoặc đẩy các phưong tiện hoặc vật nặng khác và giống như máy nông nghiệp, nó bao gồm các thiết bị đơn giản để vận hành (nâng, hạ, v.v…) các công cụ lao động. Trong các trường hợp đó, các công cụ lao động có thể lắp lẫn cho nhau này được phân loại trong nhóm phù hợp của chúng, cho dù được xuất trình cùng với máy kéo và đã hoặc chưa được lắp trên máy kéo, trong khi đó máy kéo với thiết bị vận hành của nó được xếp trong Nhóm này.
Trường hợp đối với xe ô tô tải có khớp nối với sơ mi rơ moóc, máy kéo gắn với sơ mi rơ moóc, và máy kéo hạng nặng, tương tự như với sơ mi rơ moóc, được gắn với những máy móc thuộc chương 84, phần máy kéo được xếp vào nhóm này trong khi sơ mi rơ moóc hoặc máy móc được xếp vào nhóm thích hợp của nó”.
Nếu mặt hàng máy kéo của công ty đáp ứng các nội dung nêu trên thì thuộc nhóm 87.01.
Căn cứ nội dung nhóm 87.09: “Xe vận chuyển, loại tự hành, không lắp kèm thiết bị nâng hạ hoặc cặp giữ, thuộc loại dùng trong nhà máy, kho hàng, bến cảng hoặc sân bay để vận chuyển hàng hóa trong phạm vi gần; máy kéo loại dùng trong sân ga xe lửa; bộ phận của các loại xe kể trên”.
Tham khảo chú giải chi tiết HS 2012 nhóm 87.09:
Nhóm này bao gồm:
… “Các máy kéo thuộc loại sử dụng trong sân ga xe lửa được thiết kế chủ yếu để kéo hoặc đẩy các xe khác, ví dụ như các xe moóc nhỏ. Chúng không tự vận chuyển hàng, và thường nhẹ hơn và có công suất nhỏ hơn các máy kéo thuộc nhóm 87.01. Máy kéo loại này cũng có thể được sử dụng trên các cầu cảng, nhà kho, v.v…”.
Nếu mặt hàng máy kéo của công ty đáp ứng các nội dung nêu trên thì thuộc nhóm 87.09.
2. Về thuế suất thuế nhập khẩu và thuế suất thuế giá trị gia tăng:
Đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính Phủ về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo Danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam để áp dụng mức thuế phù hợp với mã số hàng hóa.
3. Hướng dẫn xác định trước mã số:
Để thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan, làm cơ sở để khai báo chính xác mã số hàng hóa, doanh nghiệp có thể thực hiện xác định trước mã số hàng hóa theo các văn bản hướng dẫn sau:
-Thủ tục và điều kiện xác định trước mã số quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính Phủ.
-Hồ sơ xác định trước mã số theo quy định tại Điều 7 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài Chính.
Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh trả lời để doanh nghiệp rõ.
Loại hình:Thuế xuất nhập khẩu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *