Tiêu đề: | Hỏi mã HS cho sản phẩm bánh gạo, cơm đóng hộp |
Hỏi: | Công ty chúng tôi hiện có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm bánh gạo và cơm đóng hộp từ Nhật Bản, Quý cơ quan vui lòng tư vấn mã HS cho sản phẩm. Cơm đóng hộp là sản phẩm cơm nấu sẵn, đông lạnh. Có thể sử dụng sau khi cho vào lò vi sóng. Cảm ơn quý cơ quan. |
Trả lời: | 1. Hướng dẫn về phân loại hàng hóa và thủ tục hải quan: Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2015 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qui định tại Điều 26“Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam”; Căn cứ Nghị Định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ; Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015; Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Căn cứ Chú giải HS 2012. Tham khảo nội dung Chú giải chi tiết HS 2012 “Chương 19” phần tổng quát: “Chương này bao gồm các sản phẩm thường được dùng làm thực phẩm, được chế biến trực tiếp từ các loại ngũ cốc thuộc Chương 10, từ các sản phẩm của Chương 11 hoặc từ bột, bột thô và bột mịn có nguồn gốc thực vật thuộc các chương khác (bột mịn ngũ cốc, tấm và bột thô, tinh bột từ ngũ cốc, bột, bột thô, bột mịn từ rau và quả) hoặc là từ những sản phẩm của các nhóm từ 04.01 đến 04.04. Chương này cũng bao gồm các sản phẩm bánh ngọt, bánh quy ngay cả khi trong thành phần của chúng không có bột, tinh bột hoặc những sản phẩm ngũ cốc khác.” 1/ Đối với mặt hàng cơm đóng hộp: Căn cứ nội dung Nhóm 19.04: “Thực phẩm chế biến thu được từ quá trình rang hoặc nổ ngũ cốc hoặc các sản phẩm ngũ cốc (ví dụ mảnh ngô được chế biến từ bột ngô (corn flakes); ngũ cốc (trừ ngô), ở dạng hạt hoặc dạng mảnh hoặc đã làm thành dạng hạt khác (trừ bột, tấm và bột thô), đã làm chín sơ hoặc chế biến cách khác, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác”. Tham khảo nội dung chú giải chi tiết HS 2012 nhóm 19.04: “(D) Các loại ngũ cốc khác, trừ ngô, được sơ chế hoặc chế biến cách khác. Nhóm này bao gồm các loại ngũ cốc đã được nấu chín sơ hoặc chế biến theo cách dạng hạt (kể cả hạt gãy). Vì vậy nhóm này cũng bao gồm cả gạo, thí dụ như loại gạo đã nấu chín sơ tức là đã được chín sơ một phần hoặc hoàn toàn và sau đó được rút hết nước, và vì thế cấu trúc của hạt cũng thay đổi. Đối với loại gạo đã chín sơ hoàn toàn thì chỉ cần ngâm vào nước và đun đến sôi là ăn được ngay, còn với loại gạo mới chín sơ một phần thì phải đun thêm từ 5 đến 12 phút mới ăn được. Nhóm này cũng bao gồm các sản phẩm gạo nấu chín sơ có cho thêm một số thành phần khác như: rau hoặc bột canh miễn là các thành phần thêm vào không làm thay đổi đặc tính của chế phẩm gạo.” 2/ Đối với mặt hàng bánh gạo: Căn cứ nội dung Nhóm 19.05: “Bánh mì, bánh bột nhào (pastry), bánh nướng, bánh quy và các loại bánh khác, có hoặc không chứa cacao; bánh thánh, vỏ viên nhộng dùng trong ngành dược, bánh xốp sealing wafer, bánh đa và các sản phẩm tương tự.” Tham khảo nội dung chú giải chi tiết HS 2012 nhóm 19.05: (A) Các sản phẩm bánh mì, bánh bột nhào(pastry), bánh nướng, bánh quy và các loại bánh khác, có hoặc không chứa cacao. Nhóm này bao gồm tất cả các loại bánh được nướng. Thành phần chính thường là các loại ngũ cốc, bột nở, muối nhưng các sản phẩm này cũng có chứa thêm một số thành phần khác như: gluten, tinh bột, bột các loại đậu, chiết xuất malt hoặc sữa, các loại hạt như: hạt thuốc phiện, thì là hoặc hồi, đường, mật ong, trứng, chất béo, pho mát, quả, ca cao với mọi tỷ lệ, thịt cá, phụ gia bánh mỳ….Các chất phụ gia này chủ yếu được dùng để xử lý bột, thúc đẩy quá trình lên men, nâng phẩm chất cũng như mẫu mã sản phẩm và kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm. Các sản phẩm của nhóm này có thể được chế biến từ bột nhào được làm từ bột, bột thô hay bột mịn của khoai tây.” Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư 14/2015/TT-BTC BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính:“Thông báo kết quả phân loại của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là cơ sở để xác định mức thuế, thực hiện chính sách quản lý hàng hóa; được cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan và công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan”; Đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu các văn bản nêu trên, tham khảo nội dung Thông báo kết quả phân loại số 782/TB-TCHQ ngày 27/1/2016; Thông báo kết quả phân loại số 784/TB-TCHQ ngày 27/1/2016; Thông báo kết quả phân loại số 785/TB-TCHQ ngày 27/1/2016 của Tổng cục Hải quan của ( đính kèm), căn cứ các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa nhập khẩu để xác định mã số phù hợp. 2. Hướng dẫn xác định trước mã số: Để thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan, làm cơ sở để khai báo chính xác mã số hàng hóa, doanh nghiệp có thể thực hiện quy trình xác định trước mã số như sau: – Thủ tục và điều kiện xác định trước mã số quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ. – Hồ sơ xác định trước quy định tại Điều 7 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính. Trong trường hợp cần thiết đề nghị doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn cụ thể. Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh trả lời để doanh nghiệp được biết. |
Loại hình: | Thuế xuất nhập khẩu |