Tiêu đề: | Kiểm Tra Hàng Hoá Gửi Từ Nước Ngoài |
Hỏi: | Tôi muốn kiểm tra về Bưu kiện của bạn tôi gửi từ nước ngoài về đã tới Việt Nam chưa và Thủ tục nhận hàng và lệ phí trả để nhận bưu kiện đó là Bao nhiêu?Tôi muốn kiểm tra trước khi trả phí về mặt hàng tôi nhận hay không.Vì là một cá nhân ơ nước ngoài gửi Bưu kiện này cho tôi là với đề xuất Từ thiện giúp những người thiếu may mắn ở Việt Nam.Tôi muốn chắc chắn thực hư về nội dung này tránh việc lừa đảo và pháp lý cho cá nhân cung như hàng trái phép thông qua trò lừa này đê lọt vào Việt Nam với hình thức trao tặng ký gửi mà ảnh hưởng tới an toan cá nhân và đất nước. |
Trả lời: | Phúc đáp câu hỏi trực tuyến của cá nhân có tên Anh Dũng (Email: anhdung0684.hl@gmail.com, Số điện thoại: 01226009933) về việc kiểm tra trước hàng hóa, Phòng Giám sát quản lý có ý kiến như sau: 1/ Việc muốn kiểm tra bưu kiện gửi từ nước ngoài đã về tới Việt Nam chưa: đề nghị bạn liên hệ với người vận chuyển hàng hóa để biết thông tin cụ thể. 2/ Về việc xem hàng hóa trước khi khai báo: – Căn cứ Điều 17 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính: Điều 17. Xem hàng hoá, lấy mẫu hàng hóa trước khi khai hải quan Việc xem hàng hoá trước khi khai hải quan quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan và lấy mẫu hàng hóa để phục vụ khai hải quan được thực hiện như sau: 1. Sau khi được người vận chuyển hàng hóa hoặc người lưu giữ hàng hóa (hãng tàu, hãng hàng không, đường sắt, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính, chủ kho ngoại quan,…) chấp thuận, chủ hàng thông báo cho Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa để giám sát theo quy định, đồng thời thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi để phối hợp. 2. Khi xem trước hàng hóa, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa phải lập biên bản chứng nhận, có xác nhận của chủ hàng. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. 3. Trường hợp người khai hải quan đề nghị lấy mẫu để phục vụ việc khai hải quan thì thực hiện theo quy định tại Điều 31 Thông tư này. 4. Sau khi xem trước hàng, lấy mẫu, công chức hải quan thực hiện niêm phong lô hàng. Trường hợp hàng hoá không thể niêm phong được thì trong biên bản chứng nhận nêu tại khoản 2 Điều này phải thể hiện được tình trạng hàng hoá và ghi rõ người đang giữ hàng hoá chịu trách nhiệm giữ nguyên trạng hàng hoá. Khi khai hải quan, chủ hàng ghi rõ kết quả xem trước, lấy mẫu hàng hóa trên tờ khai hải quan. – Căn cứ Điều 31 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính: Điều 31. Lấy mẫu, lưu mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu 1. Việc lấy mẫu hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện trong các trường hợp sau: a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lấy mẫu để phục vụ việc khai hải quan theo yêu cầu của người khai hải quan hoặc cơ quan kiểm tra chuyên ngành; b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải lấy mẫu để phục vụ phân tích hoặc giám định theo yêu cầu của cơ quan hải quan. 2. Việc lấy mẫu do Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi có yêu cầu quyết định. 3. Thủ tục lấy mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu a) Trường hợp lấy mẫu theo yêu cầu của người khai hải quan hoặc cơ quan hải quan có yêu cầu lấy mẫu để trưng cầu giám định thì khi lấy mẫu phải có đại diện chủ hàng, đại diện cơ quan hải quan và phải lập Biên bản lấy mẫu hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (mẫu số 08/BBLM/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp lấy mẫu để trưng cầu giám định theo yêu cầu của cơ quan hải quan thì mẫu phải được niêm phong và có chữ ký của đại diện chủ hàng, cơ quan hải quan. Khi bàn giao mẫu cho tổ chức giám định phải có biên bản bàn giao và ký xác nhận của các bên; b) Trường hợp lấy mẫu để phân tích, phân loại thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phân loại hàng hóa; phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; c) Trường hợp lấy mẫu theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành thì thủ tục lấy mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý chuyên ngành; d) Khi cơ quan hải quan, cơ quan kiểm tra chuyên ngành lấy mẫu, người khai hải quan có trách nhiệm xuất trình hàng hóa và phối hợp trong quá trình lấy mẫu. 4. Kỹ thuật lấy mẫu đối với trường hợp lấy mẫu để phân tích, giám định thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. Kỹ thuật lấy mẫu để phục vụ kiểm tra chuyên ngành thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý chuyên ngành. 5. Cơ quan hải quan thực hiện việc lưu mẫu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lấy mẫu để trưng cầu giám định trong thời hạn 120 ngày đăng ký tờ khai hải quan. 6. Việc trả lại mẫu, hủy mẫu thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phân loại hàng hóa; phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. 3/ Về mức thuế phải đóng: Mỗi loại hàng hóa khác nhau sẽ tương ứng với mã số thuế khác nhau và mức thuế suất khác nhau. Sau khi biết bưu kiện của mình gồm có những loại hàng hóa nào, bạn sẽ tiến hành khai báo hải quan. Mã số thuế hàng hóa, thuế suất của từng loại hàng hóa áp dụng theo Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn Anh Dũng có thể liên hệ với Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh để được hướng dẫn cụ thể và giải quyết đúng thẩm quyền. Phòng Giám sát quản lý trả lời để bạn Anh Dũng biết, thực hiện. Trân trọng./. |
Loại hình: | Giám sát quản lý |