Tiêu đề: | Định mức |
Hỏi: | Công ty tôi là công ty SXXK mặt hàng may mặc. Theo biểu mẫu 16 về định mức thực tế có hướng dẫn: “Định mức thực tế của một đơn vị sản phẩm theo từng nguyên liệu, vật tư = Tổng lượng nguyên liệu, vật tư đã dùng để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu chia cho tổng số lượng sản phẩm thu được. Trong đó: – Tổng lượng nguyên liệu, vật tư đã dùng để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu bằng tổng lượng nguyên liệu, vật tư đưa vào để sản xuất sản phẩm trừ lượng nguyên liệu vật tư thu hồi và lượng nguyên liệu, vật tư đang dở dang trên dây chuyền tính tới thời điểm xác định định mức để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu. – Tổng số lượng sản phẩm thu được: là tổng số lượng thu được cho tới thời điểm xác định định mức.” Tôi có có 3 thắc mắc: 1. “Tổng lượng nguyên liệu, vật tư đã dùng để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu” là tính từ lúc bắt đầu đơn hàng (có thể năm tài chính trước) cho đến 31.12.2018 hay tính trong năm tài chính (1.1.2018-31.12.2018). Vì đọc hướng dẫn của Thông tư lại không ghi rõ thời điểm bắt đầu tính mà chỉ ghi đến thời điểm báo cáo thôi. Tương tự đối với sản phẩm thu được là tính từ lúc bắt đầu đơn hàng (có thể năm tài chính trước) cho đến 31.12.2018 hay tính trong năm tài chính (1.1.2018-31.12.2018). 2. Ví dụ: đối với mã SP A, trong năm 2017 công ty tôi xuất 100 NVL vào sản xuất 10 SP A, xuất khẩu trong 2017 6 sp A. Định mức thực tế 2017 là 100/10. Qua năm 2018, công ty tiếp tục xuất 50 NVL để sx 4 sp A, XK đi 8 sp A. Vậy định mức năm 2018 là 50/4 hay trung bình cộng dồn từ lúc bắt đầu sx mã SP A là (100+50)/(10+4). 3. Đối với sản phẩm B, còn tồn từ năm 2017, trong năm 2018 không sản xuất nữa, Năm 2018 có làm tờ khai xuất khẩu các SP B còn tồn này. Thì năm 2018 có làm báo báo cáo định mức thực tế mẫu 16 cho mã SP B không? Xin cảm ơn |
Trả lời: | Trả lời câu hỏi của Doanh nghiệp, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh có ý kiến như sau: Căn cứ Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC, định mức thực tế sản xuất hàng hoá gia công, hàng hoá sản xuất xuất khẩu được quy định như sau: 1. Định mức thực tế sản xuất là lượng nguyên liệu, vật tư thực tế đã sử dụng để gia công, sản xuất một đơn vị sản phẩm xuất khẩu và được xác định theo quy định tại mẫu số 27 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này. Trường hợp phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu trước được sử dụng để tái chế, sản xuất sản phẩm xuất khẩu thì phải xây dựng định mức để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu đó theo quy định tại Điều này. (Ví dụ: Doanh nghiệp A nhập khẩu lá thuốc lá để sản xuất xuất khẩu sợi thuốc lá loại 1 và sợi thuốc lá loại 2, công đoạn sản xuất là tách lá đế sản xuất sợi thuốc lá loại 1 và cọng, sau đó sấy khô, ép bánh.. .thái sợi để sản xuất sợi thuốc lá loại 2. Vậy doanh nghiệp A phải xây dựng định mức đối với sợi thuốc lá loại 1 và sợi thuốc lá loại 2); Trong đó, phế liệu là vật liệu loại ra trong quá trình gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu không còn giá trị sử dụng ban đầu được thu hồi để làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác; phế phẩm là thành phẩm, bán thành phẩm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật (quy cách, kích thước, phẩm chất,…) bị loại ra trong quá trình gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và không đạt chất lượng để xuất khẩu. 2. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm lưu trữ dữ liệu, chứng từ, tài liệu liên quan đến việc xác định định mức thực tế và thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất theo năm tài chính cho cơ quan hải quan khi báo cáo quyết toán theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Thông tư này.Riêng đối với những sản phẩm sản xuất mà khi kết thúc năm tài chính vẫn chưa có sản phẩm hoàn chỉnh thì tổ chức, cá nhân chưa phải nộp định mức thực tế khi nộp báo cáo quyết toán (Ví dụ: gia công, sản xuất xuất khẩu tàu biển có thời gian dự kiến hoàn thành trong 3 năm thì đến năm tài chính thứ 3 mới phải nộp định mức thực tế). Vật tư không xây dựng được định mức theo sản phẩm thì tổ chức, cá nhân phải lưu trữ các chứng từ liên quan đến việc sử dụng vật tư và thể hiện trong báo cáo quyết toán về tình hình xuất – nhập – tồn kho của vật tư này.Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh có ý kiến như trên để công ty nghiên cứu thực hiện. Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Doanh nghiệp liên hệ Chi cục Hải quan nơi đã thông báo cơ sở sản xuất để được hướng dẫn cụ thể.Trân trọng./. |
Loại hình: | Giám sát quản lý |