Tiêu đề: | Chuyển nguyên liệu của hợp đồng gia công |
Hỏi: | Công ty tôi(A) có gia công cho Công ty B ở Hàn Quốc. Nay một số mã hàng Công ty tôi không đáp ứng nên Công ty B có thuê Công ty C cũng ở Hàn Quốc gia công. Công ty C thuê Công ty D ở Việt Nam gia công. 4 bên chúng tôi (A, B, C, D) làm thoả thuận chuyển một phần nguyên liệu của hợp đồng gia công giữa Công ty tôi và Công ty B sang hợp đồng gia công giữa Công ty C và Công ty D. Bây giờ Công ty B yêu cầu Công ty tôi chuyển một phần nguyên liệu của hợp đồng đang thực hiện giữa Công ty tôi và Công ty B sang cho Công ty D ở Việt Nam. N hư vậy Công ty tôi có được chuyển nguyên liệu cho Công ty D theo thoả thuận 4 bên như trên không? Nếu chuyển thì Công ty tôi mở tờ khai loại hình gì? Biên bản thoả thuận 4 bên có cần dấu tròn của 2 Công ty B, C ở nước ngoài hay chỉ cần chữ ký giám đốc của 2 Công ty phía nước ngoài? Rất mong được sự trả lời tư vấn sớm của quý cơ quan hải quan để Công ty chúng tôi biết thực hiện. Xin chân thành cảm ơn. |
Trả lời: | Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh có ý kiến như sau: (i) Thủ tục hải quan: Căn cứ Khoản 3 Điều 182 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005: “Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công” Căn cứ điểm e Khoản 1, điểm e Khoản 2 và Khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính Phủ: 1. Đối với bên đặt gia công: e) Được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo văn bản thỏa thuận của các bên có liên quan, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. 2. Đối với bên nhận gia công: e) Làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công. 3. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu quy định tại Điểm e Khoản 1 và Điểm e Khoản 2 Điều này được quy định như sau: a) Phải tuân thủ quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. b) Phải có hợp đồng mua bán ký giữa thương nhân nước ngoài hoặc người được ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài với thương nhân nhập khẩu. Căn cứ điểm c Khoản 3, Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính: “Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác cùng hoặc khác đối tác nhận, đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công hoặc khi hợp đồng gia công kết thúc, hết hiệu lực, thực hiện theo thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 86 Thông tư này;” Căn cứ Khoản 1 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC: “1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ gồm: a) Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP; b) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan; c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.” Căn cứ vào các quy định dẫn trên, việc chuyển nguyên liệu gia công của công ty thuộc trường hợp thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. (ii) Loại hình: Căn cứ hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/4/2015, trường hợp công ty xuất nguyên liệu gia công từ hợp đồng này sang hợp đồng khác thực hiện khai báo với mã loại hình E54. (iii) Về câu hỏi “Biên bản thỏa thuận 4 bên có cần dấu tròn của 2 Công ty B, C ở nước ngoài hay chỉ cần chữ ký giám đốc của Công ty phía nước ngoài?”: Đề nghị Công ty tham khảo các Điều 24, 27 và 179 Luật Thương mại số 36/2005/QH11, Điều 29 và Khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP để thực hiện. Quý công ty tham khảo nội dung như trên để thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị Quý công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể. |
Loại hình: | Giám sát quản lý |