Bơm ly tâm vi sinh dùng cho ngành thực phẩm

Tiêu đề:Bơm ly tâm vi sinh dùng cho ngành thực phẩm
Hỏi:Kính gửi Quý Cơ quan HQ Tp.HCM, Sắp tới công ty chúng tôi có nhập mới lô hàng bơm ly tâm vi sinh, bằng thép không gỉ (316L) dùng cho ngành thực phẩm (bia, sữa (sữa tươi, sữa thanh trùng, sữa chua uống và ăn, trà sữa, sữa đậu nành), syrup pha sữa, nước ngọt, nước RO và bơm nước nóng 95 độ C), công suất bơm dưới 50m3/h, 15kW, đường kính cửa hút nhỏ hơn 200mm. Xuất xứ: Đức (Germany). Tham khảo thông tin trên các diễn đàn và hệ thống HQ, chúng tôi sẽ áp mã HS: 8413.7091, loại khác, thuế NK 0% do bơm này không phải là bơm nước thông thường/ bơm công nghiệp, mà được thiết kế tiêu chuẩn cao phục vụ cho các nhà máy bia, nước ngọt, nước tinh khiết và ngành sữa. thông tin kỹ thuật chi tiết: vật liệu thân bơm: thép AISI 316L, gioăng làm kín: theo FDA, Độ nhám bề mặt Ra tối thiểu nhỏ hơn 3.2 μm, Motor có gắn biến tần, các phần được đánh bóng bằng điện cực. Xin Quý cơ quan cho biết chúng tôi áp dụng HS này đúng chưa để áp dụng cho các lô hàng sắp tới. Rất mong sớm nhận được trả lời từ Quý HQ. Chân thành cám ơn và chúc anh/chị có ngày làm việc vui vẻ.
Trả lời:1/ Hướng dẫn phân loại hàng hóa :
Căn cứ Điều 26 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2015 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “Khi phân loại hàng hoá phải căn cứ hồ sơ Hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi mã số, của hàng hoá theo Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt nam”;
Căn cứ điểm 2 Điều 16 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính Phủ;  “.. Việc phân loại hàng hóa căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.”
Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
     Căn cứ Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Căn cứ nội dung nhóm 84.13: “Bơm chất lỏng, có hoặc không lắp thiết bị đo; máy đẩy chất lỏng”.
Tham khảo nội dung chi tiết chú giải HS năm 2017 nhóm 84.13:
“Nhóm này bao gồm hầu hết các loại máy và thiết bị được dùng để gia tăng hay làm lưu thông liên tục một lượng chất lỏng (kể cả kim loại nóng chảy và bê tông dạng lỏng), dù chúng được vận hành bằng tay hoặc bằng bất kỳ loại máy động lực nào, gắn liền nguyên khối hay không.
Nhóm này cũng bao gồm các loại bơm vận chuyển gắn với cơ cấu tính giá và đo lưu lượng chẳng hạn như sử dụng cho việc bơm xăng hoặc dầu trong gara, và cũng là loại bơm được thiết kế đặc biệt dùng cho các máy, phương tiện khác… (bao gồm bơm xăng, dầu hoặc nước dung cho động cơ đốt trong, và bơm dùng cho máy kéo sợi nhân tạo ).
…  BƠM LY TÂM :
Trong các loại bơm này, chất lỏng được điều tiết theo chuyển động quay quanh trục bởi các cánh quay của một rôto (bánh công tác), làm cho tác động ly tâm đẩy chất lỏng ra phía vòng ngoài của lớp vỏ hình vành khuyên có một lỗ thoát đặt tiếp tuyến. Lớp vỏ đôi khi được gắn các cánh bơm phân hướng (cánh quay khuếch tán) để chuyển hóa động năng thành áp suất cao.Để tạo ra áp suất rất cao, người ta dùng các bơm ly tâm nhiều tầng, trong đó chất lỏng được dẫn qua các tầng thông qua nhiều bánh công tác quay trên một trục chung.
Bơm ly tâm có thể được dẫn động bởi một động cơ điện hay động cơ đốt trong hoặc bởi một tua bin. Do hoạt động với tốc độ cao nên chúng thích hợp cho việc ghép nối trực tiếp, trong khi bơm kiểu piston hay bơm trục quay đòi hỏi phải có hộp số giảm tốc.
Nhóm này cũng bao gồm các bơm đặt chìm dưới nước, bơm ly tâm của hệ thống sưởi trung tâm, bơm ly tâm một phía, bơm cánh quạt dẫn dòng, bơm cánh quạt hướng tâm…”
       Căn cứ theo các quy định về phân loại nêu trên , trường hợp xác định mặt hàng nhập khẩu là bơm ly tâm có mô tả phù hợp với nội dung chú giải chi tiết nêu trên thì thuộc nhóm 84.13 phân nhóm 8413.70. Tuy nhiên, do Quý Công ty không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hàng hóa theo các quy định về phân loại hàng hoá nêu trên, nên cơ quan hải quan không thể xác định mã số chính xác. Đề nghị Quý Công ty nghiên cứu các quy định về phân loại hàng hóa nêu trên, căn cứ hồ sơ Hải quan, hàng hóa thực tế nhập khẩu, các thông tin của hàng hoá để phân loại, áp mã số phù hợp.
2/ Hướng dẫn xác định trước mã số hàng hóa:
Thủ tục và hồ sơ xác định trước mã số được quy định tại Điều 24 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ; Khoản 11, Điều 1 Nghị Định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Khoản 3, Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đề nghị doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị xác định trước mã số hàng hóa đến Tổng Cục Hải quan theo địa chỉ: Tổng cục Hải quan, Lô E3 Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội  để được giải quyết theo đúng thẩm quyền.    
   Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn để Quý Công ty được biết.
Loại hình:Thuế xuất nhập khẩu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *